Nuôi dạy con – Có rất nhiều phương pháp dạy con giúp trẻ trưởng thành và kỷ luật trong đó phương pháp dạy con không đòn roi là một trong những cách mà các bậc cha mẹ hiện đại nên hướng tới. Nhưng làm sao sử dụng phương pháp dạy con không đòn roi vừa hiệu quả vừa giúp trẻ phát triển, mọi người hãy cùng Gia Sư Tài Đức tham khảo thông tin dưới đây.
Mục Lục
Tại sao lại phải áp dụng phương pháp dạy con không đòn roi?
Nhiều cha mẹ trong quá trình dạy con cho rằng đánh đòn là cách nhanh nhất và hiệu quả để thay đổi hành vi của trẻ. Nhưng mọi người nên nhớ rắng những hình phạt về thể xác này có thể để lại hậu quả lâu dài đối với trẻ. Nó sẽ khiến cho trẻ có những hành động và thói quen xấu trong cách hành xử đối với cha mẹ và thậm chí có thể có những biểu hiện rối loạn tâm lý.
Và có nhiều đứa trẻ lớn lên sẽ có những hành vi bạo lực vì trong quá khứ chúng đã chịu những cảnh đòn roi của cha mẹ. Chính vì vậy mà cha mẹ nên học phương pháp dạy con không đòi roi để giúp trẻ phát triển một cách tốt nhất.
Phương pháp dạy con không đòn roi
Dạy con không đòn roi ngoài việc không sử dụng roi vọt đánh đòn mà còn không cho phép cha mẹ sử dụng lời nói, hành động là tổn hại đến tâm lý, cơ thể trẻ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cha mẹ phải chiều chuộng, đáp ứng mọi ham muốn của trẻ mà cha mẹ cần rèn luyện các tính cách của con trong giới hạn và sự kiên trì. Áp dụng những phương pháp dưới đây có thể giúp cha mẹ kết nối được với trẻ, ngay cả khi chúng bướng bỉnh nhất.
Luôn lắng nghe cảm xúc và nhu cầu của trẻ
Khi trẻ không vâng lời, làm sai điều gì, phụ huynh không nên vội vàng quy chụp và đổ hết lỗi cho trẻ. Mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó, chính vì vậy phụ huynh cần phải lắng nghe cảm xúc và nhu cầu của trẻ trước khi trách móc, la mắng. Tại hội thảo Kỷ luật không đòn roi diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ rằng trẻ có nhu cầu được chấp nhận về cảm xúc rất cao bởi ở lứa tuổi này trẻ rất nhạy cảm với thế giới xung quanh. Trẻ chưa có nhiều va chạm với cuộc sống chính vì thế rất cần các bậc cha mẹ hướng dẫn, chỉ dạy cho trẻ.
Thể hiện sự đồng cảm với trẻ
Dạy con không có nghĩa là cha mẹ thể hiện quyền lực để bắt buộc con phải tuân theo mà cần dựa trên mối quan hệ tình yêu, sự ấm áp và tôn trọng lẫn nhau. Để có được điều này đòi hỏi các bậc làm cha mẹ phải luôn tạo ra không khí hòa bình và đồng cảm với trẻ. Mọi người có thể thể hiện sự đồng cảm bằng một vài câu, từ cảm thán như: à, ừ, vậy hả con, bố mẹ hiểu, có bạn nào bị như con không,… sẽ khiến trẻ cảm thấy yên tâm, tin tưởng, muốn tâm sự và chia sẻ với cha mẹ nhiều hơn nữa.
Điều chỉnh cảm xúc của mình
Khi đối mặt với những rắc rối do con cái gây ra, cha mẹ cũng phải biết kiềm chế, giữ bình tĩnh, và suy nghĩ tỉnh táo. Cha mẹ có thể có những thói quen xấu hay những cư xử chưa đúng mực, nhưng bên cạnh những đứa trẻ, bạn nên nhẫn nại và hạn chế mọi điểm xấu để không ảnh hưởng đến thói quen và nhân cách của trẻ sau này.
Dù cho có lúc rất bực tức thì cha mẹ cũng cần tự hỏi: “Liệu con có sai không?”; “Mình sai ở chỗ nào”… Qua tấm gương của bạn, bé cũng sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc của chính mình. Nếu như không kiềm chế được mà đánh con thì sẽ dẫn tới thất bại trong việc giáo dục con cái.
Khuyến khích trẻ động não tìm ra giải pháp
Nhiều bậc mẹ đã quen quyết định, giúp con mình chọn lựa vì tin rằng điều đó tốt cho con của mình. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần hiểu rằng con mình cũng có những suy nghĩ riêng, những hướng giải quyết riêng và trẻ cũng tin rằng điều đó là tốt nhất với chúng. Hãy giúp trẻ viết ra những ý kiến, giải pháp để cả hai cùng lựa chọn.
Phụ huynh nên nhớ rằng trẻ đang trong quá trình hoàn thiện chính vì vậy không nên bình luận, chê bai giải pháp của trẻ. Làm như vậy trẻ sẽ nản chí và không muốn bàn luận thêm.
Khen ngợi và không chỉ trích lỗi lầm của con
Trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ nên dành lời khen cho những hành động cụ thể như “Con tự mặc quần áo thật cừ”, “Ai tự ăn cơm giỏi thế nhỉ”. Nếu khen con kèm với hành động cụ thể, trẻ sẽ nỗ lực hoàn thành tốt mọi việc trong lần sau.
Ngày nay, cha mẹ hay đặt quá nhiều kỳ vọng vào những đứa trẻ. Khi chúng thất bại hoặc phạm phải sai lầm, người lớn thường chỉ trích lỗi lầm của con. Trong thực tế, ai cũng mắc phải sai lầm và việc chỉ trích không làm cho mọi chuyện tốt hơn. Do đó, cha mẹ nên tránh việc chỉ trích con.
Nuôi dạy trẻ là cả một quá trình lâu dài không phải ngày một ngày hai. Vì thế mà mọi người hãy luôn giữ một “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh” trong mọi hành động và lời nói trên cương vị người làm cha làm mẹ để mang lại sự giáo dục tốt nhất cho con cái không chỉ hiện tại mà còn cho tương lai sau này của con. Hi vọng với phương pháp dạy con không đòn roi trên đây sẽ giúp các mẹ có chiều hướng dạy con tích cực hơn.